13.3.07

TRAN MINH THAO -- BBCVietnamese.com -- Viet ve thien su NHAT HANH & cuu linh muc NGUYEN NGOC LAN

NHÀ SƯ VÀ VỊ LINH MỤC

Bài viết của Trần Minh Thảo
(nhà văn Trần Hồng Quang)

đăng trên Tạp chí điện tử "BBCVietnamese.com"
ngày 10-3 HB7 (2007)


http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/
story/2007/03/070310_tranminhthao.shtml


Mạn phép & trân trọng dẫn một đường link.

Vui lòng xem lại bài viết của Trần Xuân An và lược ghi cuộc phỏng vấn (BBC_Lê Hải -- Trần Xuân An) về Nguyễn Ngọc Lan & thiền sư Nhất Hạnh trên trang web này (bài viết cũng đã đăng tải trên Tạp chí điện tử Hội Tụ / http://giaodiem.us/us-2007/307/307-txa-nnlan.htm).

Mong được đọc những bài khác, có thể gọi là đối thoại, trao đổi của các tác giả khắp nơi để làm rõ vấn đề.

TXA.
7 : 46', ngày 13-3 HB7 (2007).

12.3.07

BBCVietnamese: Tạp chí “Việt Nam ngày nay”, Lê Hải phỏng vấn Trần Xuân An & 3 người khác

Tạp chí “Việt Nam ngày nay” do Lê Hải phụ trách tuần này.
Chương trình 18 giờ 30 (14 giờ 30 GMT) tối thứ bảy & tối chủ nhật ngày 03 & 04 tháng 3-HB7 (2007) tại VN:


Lê Hải và hai phóng viên BBC khác (Hồng Nga, Vũ Minh) phỏng vấn: Chân Tín (linh mục tại Sài Gòn), Phùng Tuệ Châu (trưởng ban biên tập đài phát thanh “Tiếng Quê hương” ở California), Trần Tiến Dũng (cộng tác viên BBC tại Việt Nam hiện ở Bảo Lộc, quan sát cuộc thuyết pháp của thiền sư Nhất Hạnh).

Lê Hải phỏng vấn Trần Xuân An, phát thanh từ phút thứ 17 (17’ : 44’’) đến phút thứ 22 (22’ : 03’’) của chương trình.



NỘI DUNG (Lê Hải với Trần Xuân An): Trong chủ đề hoà hợp hoà giải dân tộc: 1. Nguyễn Ngọc Lan (qua đời vào ngày 26-02 HB7) và thiền sư Nhất Hạnh (đang trong thời gian về nước, lập đàn giải oan cho những oan trái trong cuộc chiến tranh vừa qua mà cho đến nay vẫn chưa nguôi nỗi đau hậu chiến) -- vai trò của hai người này trước và sau 1975. 2. Bi kịch "bơ vơ" của Nguyễn Ngọc Lan (Thiên Chúa giáo không phải là chỗ dựa đáng tin cậy của ông và cũng không được nhân dân tin cậy); ông là “kẻ nổi loạn” của Giáo hội Thiên Chúa giáo (có thể như Mai Lão Bạng ngày xưa), chống chế độ cũ nhưng cũng là một tác giả phê phán, nhà bất đồng chính kiến từ 1975 đến nay; và niềm tự hào của các tu sĩ Phật giáo, kể cả những vị từng bị chế độ XHCN. hiện nay kết án, giam tù như hai thiền sư, học giả Thích Trí Siêu (Lê Mạnh Thát), Thích Tuệ Sĩ (tự hào về lịch sử chống ngoại xâm của Phật giáo từ ngàn xưa đến thời chống Mỹ - Diệm). 3. Tiểu thuyết “Mùa hè bên sông” của Trần Xuân An thể hiện mong ước như là ngọn gió hoà giải dân tộc trên lập trường dân tộc.


________________

Xem: “NGHĨ VỀ BI KỊCH NHÀ BẤT ĐỒNG CHÍNH KIẾN NGUYỄN NGỌC LAN” trên trang web này.

7 : 23’, ngày 06-03 HB7 (2007)

NGHĨ VỀ BI KỊCH NHÀ BẤT ĐỒNG CHÍNH KIẾN NGUYỄN NGỌC LAN

Trần Xuân An

NGHĨ VỀ BI KỊCH NHÀ BẤT ĐỒNG CHÍNH KIẾN
NGUYỄN NGỌC LAN




Tôi vốn là người không thích viết về những gì còn gọi là thời sự chính trị, xã hội cập nhật, kể cả những thông tin sốt dẻo nhất. Thơ, tiểu thuyết và sử thực chất luôn luôn thuộc về lĩnh vực của sự chiêm nghiệm, trầm tư trí tuệ, sự tái hiện cảm xúc sống động, hay thuộc về địa hạt phân tích, tổng hợp tư liệu, và đều cần có quãng cách thời gian, độ lắng của hiện thực. Do đó, người viết của ba địa hạt ấy “thuộc về thì quá khứ”, cho dù với thơ, tiểu thuyết, ý thức cách tân, tân kì, tiên phong, vượt thời đại đến mức nào về hình thức thể hiện, cho dù với sử, phương pháp luận tiên tiến, khoa học đến đâu. Riêng tôi, ngoài đặc điểm chung về tạng chất và thể loại, còn có những kinh nghiệm về sự lừa bịp của thông tin thời sự trên các báo lá cải, nên không bao giờ vội viết một điều gì vừa xảy ra tức thì.

Hôm qua, trong lúc phải “đau đầu” về một việc do người khác gây ra từ trước Tết Nguyên đán Đinh hợi HB7, tôi lại đọc được mẩu tin về cái chết của một nhân vật lịch sử thời chúng ta đang sống. Đó là cựu linh mục Nguyễn Ngọc Lan. Hôm nay, tôi cảm thấy cần viết đôi điều cảm nghĩ về ông, Nguyễn Ngọc Lan những năm 70 của thế kỉ trước và vài ba thập niên gần đây.

Cũng rất thời sự, và như thể sự kiện ngẫu nhiên được sắp xếp cho một trường liên tưởng đối sánh, việc thiền sư Nhất Hạnh mới về nước cách đây khoảng một tuần lễ, để cùng tăng đoàn Làng Mai lập đàn giải oan cho cả những ai thuộc thành phần, phân số nào của cộng đồng dân tộc đã mắc phải oan trái trong cuộc chiến tranh dài dằng dặc, âm hưởng nỗi niềm hậu chiến đến nay vẫn chưa nguôi. Thiền sư Nhất Hạnh, nhìn xuyên suốt 80 năm đời ông, rõ ràng ông cũng là một nhân vật lịch sử, một nhân vật lịch sử còn sống, còn hoạt động.

Sở dĩ liên tưởng đến thiền sư Nhất Hạnh, cũng bởi thời học sinh trung học, những người thuộc trang lứa với tôi, “thế hệ thao thức” của Miền Nam, thường hay nhắc đến hai tu sĩ cầm bút, dấn thân trong các cuộc chuyện trò, tâm sự. Một người thuộc Phật giáo. Đó là thiền sư Nhất Hạnh. Một người khác, thuộc một tôn giáo rất có thế lực suốt 90 năm (1885 – 1975), đặc biệt là 21 năm tại Miền Nam (1954 – 1975), giai đoạn nước ta bị chia cắt. Không ai khác, người ấy chính là linh mục Nguyễn Ngọc Lan.

Như đã nói, hai vị đều là tu sĩ cầm bút, dấn thân vào vấn nạn của cả dân tộc. Hai vị đều có ước vọng hoà giải dân tộc. Thiền sư Nhất Hạnh với những bài thơ, truyện ngắn, đặc sắc nhất là luận của ông, luôn đượm chất thiền cho dù ông viết về chiến tranh, chia cắt, ước vọng hoà giải. Điềm đạm, lắng sâu, trong sáng, giọng văn của thiền sư còn rất tâm tình, gần gũi và giàu sức thuyết phục do những kiến giải mọi vấn đề trên nền tảng khoa học luận lí, khoa học thực nghiệm, kể cả “thực nghiệm tâm linh” (từ ngữ của Nhất Hạnh).

Linh mục Nguyễn Ngọc Lan lại dấn sâu hơn, mạnh hơn, rõ hơn vào đấu tranh chính trị, đến mức ông tham gia trực tiếp vào các cuộc biểu tình, “xuống đường”, liên lạc bí mật với những người cộng sản, ngoài việc viết báo, in sách hợp pháp và không hợp pháp dưới chế độ “hậu Ngô Đình Diệm” -- thời Nguyễn Văn Thiệu (1967 – 1971 & 1971 – 1975). Nguyễn Ngọc Lan quyết liệt, sắc cạnh, cay độc, không phải ở tập tuyển “Đường hay pháo đài”, mà ở các bài viết trên tạp chí Đối Diện (đổi thành Đồng Dao [1973], Đứng Dậy [5-1975]) và trên các nhật báo như Tin Sáng chẳng hạn. Chung quy, cho dù khoác áo chùng thâm linh mục hay cởi áo dòng, cưới vợ, sinh con, Nguyễn Ngọc Lan là một nhà báo đấu tranh chính trị. Ông luôn luôn là một người như thế. Chất linh mục ở ông hầu như khó thấy, trong đời sống cũng như trong trang viết. Nếu so sánh với Nhất Hạnh, thiền sư Phật giáo, có thể ai đó cho rằng như thế là so sánh không cùng “trường phái”, tôn giáo. Vậy thì thử liên tưởng đến một tu sĩ Thiên Chúa giáo khác, cũng cầm bút, dạy học, sư huynh Mai Tâm, sẽ thấy rõ điều đó. Tôi thành thật nghĩ rằng, khi muốn cảm nhận rõ và thử viết rõ về bản chất, giá trị đích thực của Nguyễn Ngọc Lan, tôi sẽ không xúc phạm đến ông, cho dù hôm nay ông đã qua đời, mà chính là để hiểu rõ, tôn vinh đúng một con người.

Tôi còn nhớ, sau Hiệp định Paris, tháng giêng 1973, Đối Diện trở thành Đồng Dao (cũng ĐD.), và sau tháng tư 1975, Đồng Dao lại thành Đứng Dậy với hai chữ cái ĐD. được khắc hoạ thành hình tượng búa và liềm. Vì đây chỉ là một bài cảm nghĩ, tôi không làm công đoạn tra cứu tài liệu, chỉ nhớ có một bài viết sau chuyến Nguyễn Ngọc Lan ra Hà Nội, có nhan đề “Hà Nội tôi thế đó” của ông trên Đứng Dậy. Ông cũng quen cách nói nhại, nói chệch, đổi vị trí chữ của đối phương để đả lại đối phương, như “Phối hợp nghệ thuật”, vốn là tên của một vụ hay một ban kiểm duyệt, tịch thu báo chí tại Sài Gòn thời chế độ cũ thành “Hốt cắt đục”, hay trả đũa phe cánh Nguyễn Văn Thiệu chụp mũ ông là cộng sản “chống Mỹ cứu nước” thành phe quốc gia “chống nước cứu Mỹ”. Lần này, “Hà Nội tôi thế đó” hẳn là nhại “Thép đã tôi thế đó” (Nicôlas Ôxtơrôpsky) để khen mà thực chất ít nhiều là chê, hay do quán tính phê phán đã quen thành nếp, nên bị nhiều cây bút quen ca ngợi một chiều theo kiểu tô hồng “đánh” trên mặt báo! Rồi hình như đúng số 100, khoảng năm 1976 hoặc 1977, Đứng Dậy chua chát, uất ức tự tuyên bố đóng cửa, đình bản hẳn, bởi vì, theo tôi nghĩ, bản chất ông không thể cơ hội chủ nghĩa và ông cũng không được quyền … Đứng Dậy để … dần dà thành đảng viên cộng sản quan phương hóa, quý tộc hoá, Đạp Dân, như một số kẻ cơ hội chủ nghĩa khác.

Sau này, tôi còn được biết, được đọc lướt qua một trong ba cuốn “Chứng từ” theo kiểu biên niên, nhật kí của Nguyễn Ngọc Lan. Bấy giờ chưa có nhật kí mạng liên thông toàn cầu (internet blog), đó là thời nẩy sinh ra ý tưởng bi hài, có lẽ chưa thực hiện, ở một vài người cầm bút tôi được biết: viết xong, bỏ bản thảo vào chai thuỷ tinh, khằng nút thật kĩ, thả ra biển, may ra có ai đó ở nước nào đó vớt được. Ba cuốn ấy đều được Nguyễn Ngọc Lan gửi ra hải ngoại (hay người hải ngoại về lấy) để in ở một nhà xuất bản Thiên Chúa giáo tại Pháp, có tên là “Tin”. Đó là thời điểm có lẽ Nguyễn Ngọc Lan bị quản thúc, đọc báo nhà nước, nhưng “moi” ra những thông tin bên dưới, bên ngoài câu chữ hay “đọc ngược”, để viết. Chỉ lớt phớt, đọc tại chỗ, trong mươi phút một cuốn “Chứng từ” (có hai cụm chữ số biên niên), tôi cảm nhận vậy, có thể cần tra cứu lại. Cũng cần tra cứu lại thông tin này: Nguyễn Ngọc Lan thường bị thẩm vấn tại cơ quan công an phường, thẩm vấn đến mức có lần ông vạch ngực áo, bảo công an bắn ông đi. Công an phường, nơi không phải để xét xử những người tầm cỡ như ông, nhưng nhân vật đối lập chính kiến lừng lẫy năm nào vẫn bị hạ xuống tầm mức một anh xích lô, chị bán cháo gây rối khu phố! Thật không còn cách sỉ nhục nào “độc” hơn. Phải chăng đó là trò Tàu thâm, nhỏ mọn?

Nguyễn Ngọc Lan là một nhà báo đối lập, thiên tả dưới chế độ Mỹ - ngụy. Nguyễn Ngọc Lan còn là một nhà báo phản động lực dưới chế độ xã hội chủ nghĩa mà ông có thời ảo tưởng là có thể cộng tác, để rồi uất ức chống lại, chống cho đến ngày hôm kia, 26-02 HB7, lúc ông trút hơi thở cuối, vĩnh biệt cõi đời. Có lẽ như vậy. Tôi không rõ. Nhưng có thể bi kịch bề nổi của Nguyễn Ngọc Lan là thế đó. Còn bề sâu của bi kịch ấy, đó chính là ông xuất thân từ một trường dòng, vốn là người Nghệ An di cư, lại là “kẻ nổi loạn” của giáo hội Thiên Chúa giáo La Mã tại Việt Nam, một giáo hội không còn có chút tư cách chính trị nào trên đất nước này, do quá khứ “thà mất nước, không thà mất Chúa” (Hoàng Quỳnh), bán nước cầu “đạo” của nó. Ông có nhận nhiệm vụ của Giáo hội giao phó là tạo một nét chính nghĩa cho Giáo hội hay không. Không rõ. Nhưng nếu quả thật, ông chỉ đơn thuần, trong sáng là “kẻ nổi loạn”, một trí thức luôn luôn đối lập, đứng về phía nhân dân (vì ngay cả nhà nước ta hiện nay cũng bị quý tộc hoá, quan liêu hoá như bi kịch của các triều đại có quá khứ kháng chiến chống giặc ngoại xâm cổ xưa) thì ông còn giữ được rất nhiều thiện cảm trong và ngoài nước.

Dẫu sao tôi cũng chỉ biết mang máng về ông, trừ một số cuốn sách, bài báo, tạp chí của ông trước Ngày Thống nhất, 30-4-1975, tôi có đọc khá kĩ. Dẫu sao ông cũng đã mất rồi, tôi có thá gì đâu (*) để soi mói ông, cho dù để tôn vinh ông hay tiếc hộ ông vài điểm nào đó. Viết về một người vừa chết trên giường bệnh, tôi lạnh lùng đến mức nêu những câu hỏi “điều nghiên” tàn nhẫn vậy sao, với những từ “có lẽ”, “có thể”, “hình như” vô tội vạ, mơ hồ vậy sao!

Trong lúc này, giờ phút này, thiền sư Nhất Hạnh có lẽ đang thuyết pháp xong, hay vừa xong một cuộc họp bàn về các bước thực hiện kế hoạch giải oan cho người bên này, bên kia, và đang cùng tăng đoàn vào bữa ăn trưa chay tịnh.

Nguyễn Ngọc Lan có được giải oan hay không?

Mong tất cả chúng ta thông cảm sâu sắc bi kịch của cựu linh mục, nhà báo đấu tranh, trí thức bất đồng chính kiến Nguyễn Ngọc Lan, bi kịch điển hình của một bộ phận giáo dân Thiên Chúa giáo đồng bào ruột thịt của chúng ta.

Tiểu thuyết “Mùa hè bên sông” của tôi mong chờ là một ngọn gió hoà giải, gồm cả giải oan trong tinh thần dân tộc thuần tuý ở một ngôi đình Tổ quốc – ngôi đình của pho sử bốn nghìn năm dân tộc sinh động và pho sử thế giới... “Nguyễn Ngọc Lan”“Nhất Hạnh” sẽ là hai mục từ trong cả hai pho sử ấy.

Kính nghiêng mình trước linh cữu Nguyễn Ngọc Lan, tôi đang hình dung. Khi nghiêng mình, tôi cũng thầm kính chúc thiền sư Nhất Hạnh trường thọ.


TRẦN XUÂN AN
Từ 8 giờ 48’, 01-03 HB7
đến 11 giờ 46’, ngày thứ tư (thứ năm cũ), 01-03 HB7 (2007)
[13 tháng giêng Đinh hợi HB7],
tại TP. HCM.


___________________

(*) Một chú thích hơi thừa: Thá, thớ (biến âm của thứ, thế). "Tôi có thá gì đâu", "tôi là cái thá gì" ở đây chỉ có nghĩa là tự khiêm tốn, chứ không có nghĩa tự phủ định sạch trơn chính mình.


Xem thêm:

Trần Bạch Đằng, web Thanh Niên (phụ đính bài viết của Nguyễn Ngọc Lan, 1971):
http://www2.thanhnien.com.vn/Xahoi/2007/2/27/182964.tno

Thanh Thảo, web Diễn Đàn:
http://www.diendan.org/nhung-con-nguoi/van-con-xanh-la

Lê Quỳnh, web BBCVietnamese & weblog Lê Quỳnh:
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2007/02/070227_nguyen_ngoclan.shtml http://uk.blog.360.yahoo.com/blog-SB2c1Ss9frcKRTyS2_IFzGlTBCli

Đỗ Mạnh Tri, web BBCVietnamese:
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2007/02/070228_ngoclan_domanhtri.shtml
(dẫn links theo BBCVietnamese)