14.9.06

HUẾ – TẾT MẬU THÂN – 1968, VẾT THƯƠNG HAY TẤM HUY CHƯƠNG, TRÊN VAI GÁNH HAI BÓ LÚA HÀ NỘI & SÀI GÒN?

Bài đã đăng trên Tcđt. Giao Điểm (bộ mới), tháng 8-2006
(http://www.giaodiem.us):
http://www.giaodiem.us/us-2006/8-06/806-txa-mauthan68.htm
http://www.giaodiem.us/us-2006/8-06/0609-txa-mauthan.htm

HUẾ – TẾT MẬU THÂN – 1968,
VẾT THƯƠNG HAY TẤM HUY CHƯƠNG,
TRÊN VAI GÁNH HAI BÓ LÚA HÀ NỘI & SÀI GÒN?


Trần Xuân An


1



Trong những ngày vừa qua, có một vài câu ca từ với giai điệu rất quen thuộc của một thời bỗng vọng về đâu đó trong trí nhớ. Và thật lạ lùng, giọng hát lại không phải của một ca sĩ nổi tiếng, hầu như được sinh ra để chỉ hát những bản nhạc như thế. Nhạc Trịnh Công Sơn không được hát bởi Khánh Ly, lại được cất lên bởi một chất giọng khàn đục, héo hắt của một người đàn ông già nua chưa từng hát trên sân khấu bao giờ! Đó là bản “Hát trên những xác người” hay “Ca dao mẹ”? Xin đừng hỏi. Cũng không nên tìm lại tập “Ca khúc da vàng” của anh để tra cứu xem vài câu ca từ ấy qua giọng hát ấy trong trí nhớ tôi có chính xác hay không. Có điều, tôi không thể không bâng khuâng khi nghe lại và thấy lại từ trí nhớ của mình:

… Chiều đi lên đồi cao
Hát trên những xác người
Tôi đã thấy, tôi đã thấy
Người ta bồng bế nhau chạy trốn…

… Chiều đi qua Bãi Dâu
Hát trên những xác người
Tôi đã thấy, tôi đã thấy
Những hố hầm chôn xác anh em…


Rồi vẫn trùng điệp giai điệu ấy, tiếng hát khàn đục, héo hắt cất lên:

… Tôi đã thấy, tôi đã thấy
Người mẹ già ôm xác đứa con…


Đó là tiếng hát bên vệ đường của một người hành khất già, trong một buổi chiều sau Tết Mậu thân 1968 khoảng ba, bốn năm. Không hiểu sao đến ba mươi năm trôi qua, tôi vẫn còn nhớ. Và một liên tưởng ngược chiều khác, khiến tôi cũng không thể quên một khổ thơ của tác giả “Dạo núi mình ta” , trong một bài thơ lẻ đã được đăng trên một tạp chí non yểu:

… Tôi ở Phương Đông dù không là đạo sĩ
Không ăn chay, nhưng tin luật của trời
Hận thù này cháu con tôi sẽ nhạt
Nhưng tâm hồn anh có an tĩnh nghỉ ngơi?...

(Hà Thúc Sinh)

Thuở đó, tác giả của khổ thơ này còn đang trong thời trẻ tuổi, lại là sĩ quan của chế độ Sài Gòn cũ, sao anh lại có những suy tư day dứt và nỗi hận thù đượm chất đạo giáo đến thế về một trung úy đồng minh Mỹ, William Calley? William Calley, kẻ bị chính báo chí Mỹ xem là tên đồ tể dã man!

Tết Mậu thân – Huế, 1968 và Mỹ Lai – Sơn Mỹ, Quảng Ngãi, cũng vào mùa xuân 1968…

Thật ra, có một trong những khó khăn trong thực tế nghiên cứu sử học, ấy là các sự kiện chưa xa lắm, cho dù thời hạn giải mật đã qua từ lâu, người chứng còn sống khá đầy đủ, chúng vẫn rất khó để lao vào và tìm hiểu cho thật tường tận, viết lại cho thật chính xác.


2



Tôi không có ý định húc đầu vào đề tài Tết Mậu thân 1968 ở Huế, thậm chí còn cố tránh né trong trường hợp có thể. Nhưng trước một khía cạnh cần phải ghi chú rõ ràng, như khi tôi “Đọc thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường”, tôi đã viết:

“Chẳng hạn về cuộc tiến công và nổi dậy Tết Mậu thân 1968 (báo chí Miền Nam gọi là “biến cố Tết Mậu thân”), bài thơ “Dấu dép cao su trong vườn mẹ” của Hoàng Phủ Ngọc Tường chỉ đúng và rất đúng với anh và đồng đội Giải phóng quân của anh cũng như với các gia đình cơ sở cách mạng ở Huế, kể cả ngoại thành. Trong hiện thực lịch sử, vào thời điểm đó, lính Mỹ đầy khắp Huế và cả Trị – Thiên, nên bộ phận thanh niên, sinh viên học sinh tiến bộ, nhất là thân cách mạng, rất căm phẫn. Chính tôi, thuở bé, đã chứng kiến được không khí căm phẫn ấy. Nhưng đó là một biến cố đau thương, tang tóc đối với một phân số khá lớn nhân dân Huế vốn là những người dân tộc chủ nghĩa (trung lập, bị kẹt giữa hai gọng kìm “tả đạo” và cộng sản), rất sợ hãi chủ nghĩa vô thần, đấu tranh giai cấp, nhất là những ai họ xem là “thân” Liên Xô, Trung Quốc (họ cho rằng Liên Xô, Trung Quốc cũng như Pháp, Nhật, Mỹ). Cho nên, không khí Huế sau Tết Mậu thân, cùng với chiến dịch tuyên truyền tâm lí chiến của Mỹ ngụy (về Khe Đá Mài với hàng trăm tử thi bị thủ tiêu…) là khá hãi hùng. Chính tôi, thuở bé, cũng đã chứng kiến được không khí tang tóc ấy.

Nhân chứng lịch sử cho cả hai phía ngụy và cách mạng, cũng như phía bộ phận nhân dân, ngụy quyền, ngụy quân lớp dưới (bất đắc dĩ phải làm công chức hoặc đi lính cho ngụy) hiện nay còn sống không phải là ít.

Cho nên, câu ngạn ngữ Phương Tây
“bên này dãy Pyrénnées là chân lí, bên kia là sai lầm”, cũng có thể vận dụng ở trường hợp Tết Mậu thân Huế 1968 này chăng? Ở đây, tôi chỉ nói về quan hệ giữa thi ca và sử học cũng như đặc trưng của mỗi loại. Xin khẳng định lại một lần nữa để khỏi bị ngộ nhận: Tôi không có ý cho rằng bài thơ “Dấu dép cao su trong vườn mẹ” phản ánh sai sự thật lịch sử đối với nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường và đồng đội Giải phóng quân của anh cũng như đối với bộ phận gia đình cơ sở cách mạng ở Huế và ngoại thành Huế. Nhưng đó không phải là sự thật lịch sử toàn cảnh Huế vào Tết Mậu thân 1968”.

http://c.1asphost.com/TrXuanAn/an/ngau_hdtho/ngau_hdtho_b8.htm

Vấn đề được đặt ra, phải chăng là nên nhìn lại Tết Mậu thân 1968 ở Huế với cách nhìn toàn cảnh Huế như thế? Hơn nữa, không chỉ là toàn cảnh Huế mà cả bối cảnh chung toàn quốc với mối quan hệ giữa sự kiện đó với Hà Nội và Washington – Bắc Kinh – Moscou. Và không chỉ có vậy, mà phải nhìn sự kiện trong tổng thể cuộc chiến tranh 131 năm (1858 – 1885 – 1930 – 1945 – 1975 – 1989), có nghĩa là không thể quên đi vai trò của Thiên Chúa giáo suốt cuộc chiến tranh dài dằng dặc ấy; cũng không thể không đề cập đến ý thức hệ cộng sản và Liên Xô, Trung Quốc, ít ra là từ những năm 20/XX đến tận cuối cuộc chiến.

Nhưng tôi đã tự bảo mình chỉ nên viết một bài “tùy bút” với những cảm nghĩ tự giới hạn nào đó, và chỉ thế thôi. Dẫu vậy, tôi cũng tự dặn mình, không nên chỉ nhìn một phía.


3



Trong dăm bảy ngày gần đây, tôi có suy nghĩ về một bài viết đăng trên một tạp chí điện tử chống cộng kịch liệt ở hải ngoại, do một người cầm bút tên tuổi quý mến gửi cho. Trước khi đọc bài này của Nguyễn Văn Lục, tôi cũng đã đọc một bài khác của ông trên một trang web nào đó. Ở bài viết trước, Nguyễn Văn Lục trình bày xuyên suốt từ dòng đầu đến chữ cuối một ý tưởng chủ đạo: Nên quên đi lịch sử. Giọng văn của ông thật bi thiết và chất văn của ông giàu chất suy tưởng theo quan niệm bi đát, hư vô chủ nghĩa như thế. Nhưng ở bài thứ hai này, khi nhận được, đọc xong, tôi vẫn thấy chính giọng văn, chất văn của Nguyễn Văn Lục lại chuyển tải một ý thức tra vấn lịch sử cộng với hành trình điều tra lịch sử, chứ chẳng quên đi chút nào! Mâu thuẫn nội tâm này là có thật ở Nguyễn Văn Lục.

“…đến năm 2006, tôi đã trở lại Huế, ngót 10 ngày ở đường Bạch Đằng. Cũng như hồi Tết Mậu Thân, mưa Huế dai dẳng cầm giữ tôi trong nhà. Đến Huế mà như không biết Huế.

Tôi đã để lại nhiều thứ và chẳng mang theo thứ gì. Nếu không chỉ còn là một lời nguyền không trở lại Huế nữa. Huế bạc bẽo với tôi và bội phản ở nhiều phương diện.

Và chỉ còn trong đầu một ý tưởng. Về là phải viết. Phải nhìn lại Mậu Thân Huế”.


Tôi đọc bài viết của Nguyễn Văn Lục, nhưng không biết xuất xứ chi tiết hơn, chỉ thấy ghi ở cuối bài “2006 DCVOnline”. Nếu thử gõ phím vào một trang tìm kiếm (search), chắc chắn sẽ thấy rõ hơn. Nhưng điều quan trọng là Nguyễn Văn Lục đã khởi đầu ý định viết về Huế – Tết Mậu thân 1968 như vậy. Huế là nỗi buồn hận và Tết Mậu thân 1968 ở chốn cố đô ấy có lẽ là một nỗi buồn hận lớn hơn, thậm chí là hận thù, và ông mượn Huế Tết Mậu thân 1968 để trút hận, nỗi thù hận cộng sản đau đáu, khôn nguôi trong ông.

Nguyễn Văn Lục đã tra cứu sách báo, tư liệu, kể cả nhiếp ảnh, thơ ca (báo cáo của Tiểu Đoàn 10 Chiến tranh chính trị, sách của Douglas Pike, bài viết của D. Gareth Porter, báo Washington Post, thơ Tô Đình Sự, phỏng vấn của Thụy Khuê, sử của Phạm Văn Sơn, thậm chí liên hệ đến ảnh của Nick Ut chụp cô bé Kim Phúc ở Trảng Bàng, Tây Ninh…); ông cũng đã cất công phỏng vấn những nhân chứng còn sống (Dương Hồng Huy). Ông cho rằng Douglas Pike phản ánh chính xác, D. Gareth Porter bào chữa cho Việt cộng (sic). Theo dòng lập luận đó, ông lại bào chữa cho ngụy tướng Loan, tố cáo Nguyễn Văn Lem, trước khi bị Loan bắn, Nguyễn Văn Lem đã tàn sát cả một gia đình đồng đội của Loan… Mục đích của bài viết là nhằm quy kết tội ác của những người Việt cộng tấn công vào Huế, gây ra những cuộc thảm sát (sic) tại đó và tại những vùng phụ cận Huế vào cái Tết Nguyên đán ấy, đồng thời liên hệ đến Sài Gòn và các tỉnh li Miền Nam cùng thời điểm; và đi đến kết luận là sự phản ánh thiên vị về chiến tranh, gây tổn thất cho phía của ông:

“Thật là kỳ cục cái chiến tranh này. Cái nào cũng là bạo lực, nhưng có thứ bạo lực được chấp nhận và có thứ bị bỏ quên, bạo lực êm dịu?

Đó cũng là đầu đề bài viết của James O.Clifford, Sr: Forgotten massacre at Hue”
.

Điều quan tâm nhất không chỉ riêng Nguyễn Văn Lục mà còn của khá nhiều người: Những cuộc thảm sát ở Huế vào Tết Mậu thân 1968 là có thật. Nhưng cũng có nhiều người phân vân không rõ, không dám quả quyết hay phủ nhận quy kết đó.


4



Chiến tranh, tất nhiên có đổ máu, tàn phá và gây ra những di hận khôn nguôi. Nhưng có không ở Huế Tết Mậu thân những cuộc thảm sát tàn bạo như báo chí trước 1975 ở Miền Nam và ở hải ngoại từ ngày di tản đến nay lên án? Số lượng là bao nhiêu? Bảng phân loại các người chết của Douglas Pike có chính xác?

“Bị thương và tàn tật vì bom đạn: 1.900
Thường dân bị chết vì bom đạn: 844
Nhóm mồ tập thể thứ nhất ngay sau cuộc chiến: 1.173
Nhóm mồ tập thể thứ nhì, luôn cả Gò Cát, tháng 3-7, năm 1969: 809
Nhóm mồ tập thể thứ ba, suối Đá Mài, quận Nam Hòa, tháng 9-1969: 428
Nhóm mồ tập thể thứ tư, biễn muối ở Phú Thứ, tháng 11-1969: 300
Ước lượng những mồ tìm rải rác chung quanh thành phố Huế: 200
Số người vẫn còn mất tích: 1.946
Tổng số nạn nhân của cộng sản ở Huế: 7.600”


Như đã viết, bài “Vụ "thảm sát tại Huế" năm 1968” của tác giả D. Gareth Porter, đăng trên tạp chí "Indochina Chronicle", số 33 ngày 24/6/1974, lại phê phán Pike, cho rằng “Douglas Pike: kẻ thao túng báo chí xuất sắc”:

“Trong một sơ đồ mà ông gọi là một "bản kê tóm tắt lại" về những người chết và mất tích, Pike bắt đầu không phải bằng cách liệt kê số lượng thương vong từ nhiều nguyên nhân khác nhau, mà bằng một tổng số 7.600, con số mà ông ta nói là "ước lượng tổng số thương vong dân thường tại chiến trận Huế" của chính quyền Sài Gòn. Tuy nhiên, ước lượng nguyên gốc của chính phủ một lần nữa do Sở Di dân và An sinh Xã hội của tỉnh cung cấp, lại chỉ là hơn 6.700 – chứ không phải 7.600 – và được dựa trên ước lượng 3.776 thường dân bị chết tại chiến trường Huế. Thay vì sử dụng số liệu của Sở An sinh Xã hội, Pike dùng con số 944 của Tiểu đoàn Chiến tranh Chính trị số 10. Đem trừ con số đó và con số 1900 người nằm viện vì các vết thương chiến tranh, Pike thu được con số 4.756 mà ông ta cho là tổng số nạn nhân của thảm sát do Cộng sản, bao gồm cả 1.946 trường hợp "mất tích" bằng phương pháp tính toán kỳ quặc này. Nói ngắn gọn, toàn bộ quy trình thống kê này có mục đích duy nhất là đạt đến một con số thiếu trung thực 4756 nạn nhân của một vụ "thảm sát".

http://web.archive.org/web/20060820140822re_/http:/geocities.com/atoiz/porter.html

Trong vài năm sau ngày 30 tháng 4-1975, nhà văn Tô Nhuận Vỹ, người trong cuộc, lại bày tỏ trong một bút kí của ông về nỗi băn khoăn, thậm chí là thắc mắc, tra vấn ấy:

“Cho đến mãi sau này, cho tới tận ngày đất nước chúng ta thống nhất, có kẻ làm nghề viết lách ở một nước phương Tây khi qua Huế có lắt léo hỏi chúng tôi về tính nhân đạo trong những ngày Tết Mậu thân (TXA. nhấn mạnh). Lúc đó tôi nhớ lại chuyện King Réford xuất hiện giữa gian nhà nghèo nàn của chú thím Phép, nhưng tôi đã không kể. Kể làm gì khi mà kẻ đoản hơi thì có bao giờ đủ sức để lặn cho tới đáy của một dòng sông sâu thẳm…”.

(Nhiều tác giả, “Huế, những ngày nổi dậy”, tập truyện – kí, [bài của Tô Nhuận Vỹ], Nxb. Tác phẩm mới, 1979, tr. 160).

Tô Nhuận Vỹ còn kể tiếp trong bút kí của ông về một chi tiết thể hiện chính sách nhân đạo, tôn trọng công ước quốc tế về việc đối xử với tù binh, nhưng vẫn trung thực ghi nhận:

“Một tên ác ôn có hạng đã bị tuyên án tử hình khi bị bắt, đưa đi xử ở vùng giải phóng cho ổn ? nhưng khi súng sắp nổ kết liễu đời phản dân hại nước của hắn thì hắn bỗng hô …”

(sđd., bài đã dẫn, tr, 168)

Không phải hô đả đảo mà lại hô “Hồ Chủ tịch muôn năm” (sđd.), khiến vụ xử tử ngừng lại, và sau đó tù binh ấy giết người lính gác để thoát thân. Câu chuyện của Tô Nhuận Vỹ là vậy, nhưng vẫn cho thấy là thực sự có xử án và có án tử hình tại mặt trận, nhưng việc xử bắn lại diễn ra ở ”vùng giải phóng cho ổn ?”.

Cũng trong tập truyện – kí đó, nhà văn Nguyễn Đắc Xuân (về sau là nhà Huế học), đã viết với ngọn bút thuật sự. Ở phần III của truyện – kí “Kỉ niệm Tết Mậu thân”, ông viết về “Hai cuộc đối thoại”. Cuộc thứ nhất là giữa ông với Phạm Đức Minh, một đảng viên Quốc Dân đảng, sau khi ông đã cùng với đồng đội tìm mọi cách để bắt, và đã bắt được Phạm Đức Minh. Cuộc thứ hai là với người bạn đấu tranh thời sinh viên, tuy người bạn ấy lại thuộc thành phần thứ ba, chống Mỹ và Thiệu – Kỳ nhưng không cộng sản.

Nguyễn Đắc Xuân cung cấp cho người đọc một lượng thông tin: việc lùng bắt những thành phần chống cộng là có thật. Và một lượng thông tin khác: thành phần thứ ba trong đấu tranh chính trị suốt cuộc chiến.

Cũng trong truyện – kí đó, Nguyễn Đắc Xuân còn cung cấp thêm một chi tiết: nấm mồ chôn vội của Thi (chồng của Túy), vừa mới tử thương do đạn pháo của Mỹ hoặc của quân chế độ cũ phản công. Cả hai nhân vật Thi – Túy đều là bạn của ông và của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Phan (ủy viên an ninh Quận Nhất – Huế), đều bước đầu giác ngộ cách mạng và nhận nhiệm vụ cách mạng như nhân vật Hòa, thành phần thứ ba, trên kia.

Như vậy loại nấm mộ chôn vội trong Tết Mậu thân là có thật. Nhưng đó có thể không phải chỉ của một mà cả hai phía, và có cả thường dân, gồm cả sinh viên, học sinh.

Trong một cuốn sử lược do Nhà Xuất bản Giáo Dục ấn hành gần đây, mặc dù được viết quá sơ lược và chỉ nhằm mục đích phục vụ cho việc giảng dạy, học tập ở nhà trường một cách tinh giản, cũng có thừa nhận:

“Chỉ trong vòng không đầy một tháng của đợt 1 của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, quân dân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 150.000 tên địch, trong đó có 45.000 lính Mĩ, phá hủy một khối lượng lớn vật chất và phương tiện chiến tranh của chúng, bắn rơi 2.370 máy bay các loại, bắn chìm 233 tàu xuồng chiến đấu, bắn cháy 3.500 xe quân sự, trong đó có 1.750 xe bọc thép”.

(Nhiều tác giả, “Đại cương lịch sử Việt Nam”, Nxb. Giáo Dục, 2001, tr. 1035).

Người nghiên cứu dĩ nhiên cần thẩm tra lại khi tiếp nhận bất kì một tư liệu nào, nhất là tư liệu lịch sử cuối thế kỉ XX. Và riêng với đoạn trích dẫn bên trên, người đọc có thể thấy, chỉ riêng về số thương vong của quân Mỹ và ngụy là đến 150.000 trên toàn Miền Nam vào Tết Mậu thân 1968. Nếu chỉ làm một phỏng đoán dựa theo thông báo chính thức của Hà Nội hoặc của những người trong cuộc Tết Mậu thân 1968 ở Huế (không có thảm sát, mà chỉ có xử tử hình ác ôn chống cộng), thì con số lâu nay, và cả Bùi Tín đưa ra khi ở nước ngoài, khoảng trên dưới 3.000 hoặc 4.000 (Pike: 4756, xem trên), phải chăng không phải là không có tính hợp lí? Tính chi tiết hơn: 1173 + 908 + 428 + 300 + 200 = 3.009 người bị chết và chôn ở các huyệt mồ tập thể. Con số 3.009 so với 150.000 là quá nhỏ bé (không kể số nạn nhân chiến tranh: 1.900 + 844 = 2.744 người tàn phế, thường dân bị thương và chết vì bom đạn)! Đó là nhận định tạm thời trên một cơ sở giả thiết (bài của Douglas Pike). Nhưng với một cơ sở giả thiết khác (bài của D. Gareth Porter), những con số nhỏ hơn thế, thì so với 150.000 (gồm cả bị thương?), nó vẫn chiếm một tỉ lệ không phải klhông hợp lí. Bởi chúng ta đều biết rằng, ở Huế, chiến trận diễn ra đến 26 ngày đêm, trong khi các quận lị, tỉnh lị, thành phố khác, chiến sự chỉ vài giờ hoặc vài ngày.

Người ta vẫn có thể vặn hỏi: Vấn đề là tính chất chứ không phải là số lượng tuy số lượng cũng quan trọng. Ngay vụ ở Mỹ Lai, Sơn Mỹ, Quảng Ngãi do tên William Calley cùng nhóm đồng đội của y thực hiện, chỉ gồm 503 thường dân, trong đó là 182 phụ nữ, 172 trẻ em, 89 đàn ông dưới 60 tuổi và 60 người già, vẫn được nhận định là thảm sát đúng nghĩa.

Vâng, trong lĩnh vực sử học, rất cần thiết có những câu hỏi đặt ra và tìm cách trả lời, dựa trên điều tra thực địa tại nơi diễn ra sự kiện. Ngày kị giỗ hằng năm vẫn đó. Nhân chứng còn sống rất nhiều, cho dù qua 38 năm (1968 – 2006), dân cư có thể có ít nhiều biến đổi. Mong những nhà viết sử giai đoạn cuối thế kỉ XX tranh thủ thời gian kẻo nghi vấn còn kéo dài một cách vô lối.


5

Có một điều gây thắc mắc không ít về “biến cố” hay “cuộc tổng tiến công và nổi dậy” Tết Mậu thân 1968, đó là sự xác định thắng hay bại.

Cuốn sử lược vừa đề cập đến ghi nhận:

“Tại Huế, sau 4 ngày tiến công (kể từ 02 giờ 33 phút ngày 31-01-1968), quân dân ta đã chiếm hầu hết các mục tiêu quan trọng của địch, như dinh tỉnh trưởng, đồn cảnh sát, đài phát thanh, khách sạn Thuận Hóa và Hương Giang, sân bay... đã làm chủ thành phố trong 26 ngày liền (từ 31-01 đến 25-02-1968) và cũng đã tổ chức đánh hàng trăm trận phản kích của địch.

Được các mũi tiến công hỗ trợ, quần chúng trong thành phố đã nổi dậy dẫn đường cho bộ đội, đào hầm, xây chiến lũy, tiếp tế, cáng thương binh. Gia Hội là nơi quần chúng nổi dậy mạnh mẽ nhất. Nhiều tổ chức quần chúng, như Mặt trận thanh niên Huế, Hội Binh sĩ yêu nước li khai ra đời. Chính quyền cách mạng được thành lập ở nhiều khu vực trong thành phố. Hàng nghìn thanh niên đã tình nguyện tham gia các đội du kích, tự vệ, các đội công tác”.


... “Nhưng do lực lượng địch còn đông (hơn nửa triệu quân Mĩ, gần một triệu quân ngụy), cơ sở của chúng ở thành thị mạnh, nên chúng đã nhanh chóng tổ chức lại lực lượng và phản công quân ta ở cả thành thị lẫn nông thôn. Vì vậy, trong đợt 2 và 3 của cuộc tổng tiến công và nổi dậy, lực lượng của ta gặp không ít khó khăn và tổn thất. Quân cách mạng vào chiếm giữ trong đợt 1 bị đẩy khỏi thành phố. Những người dân có cảm tình với cách mạng, ủng hộ quân giải phóng trước đó bị bắt. Nhiều vùng nông thôn giải phóng của ta trước đây bị địch chiếm. Mục tiêu của cuộc tiến công và nổi dậy không đạt được. Lực lượng của ta bị tổn thất nhiều (chú thích [1]: 111.306 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và chính trị ở Miền Nam đã hi sinh và bị thương)”.

... “Mặc dù vậy, ý nghĩa của cuộc tiến công và nổi dậy vẫn hết sức to lớn, đã mở ra bước ngoặt quyết định cho cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, làm lung lay ý chí xâm lược của quân viễn chinh Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh”.

(Nhiều tác giả, “Đại cương lịch sử Việt Nam”, Nxb. Giáo Dục, 2001, tr. 1035 – 1036).

Một tác giả ngoại quốc, Gabriel Kolko, trong cuốn “Giải phẫu một cuộc chiến tranh”, lại viết:

“Trong tình hình chiến đấu ác liệt và sử dụng không hạn chế hỏa lực, không có gì có hơi hướng một cuộc khởi nghĩa đô thị. Tuyệt đại đa số những người đô thị kinh hãi tỏ ra thụ động đối với cả Mặt trận Dân tộc giải phóng lẫn Việt Nam cộng hòa”.

“Tỉ lệ đào ngũ của quân đội Việt Nam cộng hòa đạt đỉnh cao hơn bao giờ hết; nhìn toàn bộ, năm 1968 là năm xấu nhất của cuộc chiến tranh cho đến 1975”.

(Gabriel Kolko, “Giải phẫu một cuộc chiến tranh”, Nguyễn Tấn Cưu dịch, Nxb. Quân đội nhân dân, bản in lần thứ 3, 2003, tr. 346 & 348).

Người đọc có thể tiếp nhận những thông tin trong đoạn trích trên và thẩm định lại bằng chính trải nghiệm cũng như tư liệu mình đã có dịp tiếp cận.

Từ những đoạn trích trên, người ta có thể nói, chiến đấu mà không giữ được mục tiêu chiếm được, bị đẩy bật ra khỏi mục tiêu, cộng với tổn thất nặng, có nghĩa là bại. Nhưng cũng từ đó, có một sự thật là Mỹ bắt đầu xuống thang chiến tranh, thực sự ngồi vào bàn Hội đàm Paris, và phong trào phản chiến ở Mỹ lên cao, do thế giới thấy rằng sức mạnh của phía Việt cộng (cộng sản Việt Nam) là có thật chứ không phải do được thổi phồng, và do tổn thất của Mỹ cũng như quân chế độ cũ không phải là nhỏ. Như vậy là thắng về phương diện ngoại giao và chính trị, tuy bại về mặt quân sự (mãi đến 3, 4 năm sau Việt cộng [sic] mới hồi phục được).


6



Những câu hỏi vẫn còn bị để ngỏ trong khi số liệu chính xác cho đến nay vẫn chưa xác định được; và đặc biệt là tính chất của “biến cố” hay “cuộc tiến công và nổi dậy” Tết Mậu thân 1968 vẫn còn khác biệt nhau. Hiện nay, có người vẫn muốn đánh đồng tính chất của hai sự kiện Tết Mậu thân – Huế 1968 và vụ Mỹ Lai, Sơn Mỹ, Quảng Ngãi.

Có một điều hết sức quan trọng, đó là yếu tố ngoại lai của cuộc chiến tranh: Thiên Chúa giáo (cộng với Tây Ban Nha, Pháp, Mỹ) và ý thức hệ cộng sản chủ nghĩa (Liên Xô, Trung Quốc). Không lạ gì khi thấy có rất nhiều người, từ rất lâu đã đưa ra hình tượng “gọng kìm lịch sử”“thành phần thứ ba”, đứng giữa Thiên Chúa giáo (thời Tự Đức [1858] đến Nguyễn Văn Thiệu [1975]) và Đảng Cộng sản Việt Nam (gồm cả Việt Minh, từ 1930 đến 1975 – 1989).

Trong bài “Đọc thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường”, tôi đã trích dẫn và dẫn nhập, ghi chú thêm:

“Chế độ độc tài Ngô Đình Diệm (1955 – 1963) thực chất là con đẻ của Mỹ và chủ yếu là con đẻ của Thiên Chúa giáo, một thế lực phản quốc kể từ thời Tự Đức (1847 – 1883), Hàm Nghi (1884 – 1885 – 1888) đến 1963, điều đó ai cũng rõ, nhân chứng lịch sử cho đến nay vẫn còn sống khá nhiều. Riêng cái gọi là chế độ đệ nhị cộng hoà do Nguyễn Văn Thiệu đứng đầu, vì Thiên Chúa giáo rút kinh nghiệm từ vụ Ngô Đình Diệm, và vì Nguyễn Văn Thiệu không lộ liễu chường ra nhãn hiệu thập giá, nên nhiều người còn ngộ nhận. Để tiện tham khảo và để dễ hồi ức lại bối cảnh lịch sử giai đoạn 1963 – 1975, xin trích một vài đoạn từ sđd.: “Cuộc binh biến đầu tiên do “Minh đại ca” [Dương Văn Minh – TXA. chua thêm (ct.)] chỉ huy đã bị lật nhào ngày 30 tháng giêng 1964 bởi một nhóm tướng trẻ do Nguyễn Khánh điều khiển. Khánh lại phải cuốn gói ngày 13 tháng 9 để nhường cho một “tên Thổ trẻ”, tướng không quân Nguyễn Cao Kỳ. Như một phép lạ, ngày 27 tháng 10 năm 1964, xuất hiện một chính phủ dân sự của Phan Khắc Sửu [tín đồ đạo Cao Đài, làm quốc trưởng đến 1966 [?] – ct.], chẳng mấy bữa lại bị lật đổ, ngày 20 tháng chạp trong một cuộc “đảo chính bỏ túi”. Nguyễn Khánh lại lên ghế chủ tịch, bằng một cuộc trở về yên ổn ngày 28 tháng giêng 1965, để ba tuần sau đó lãnh án “lưu vong”, làm đại sứ lưu động, rồi sau đó làm chủ một quán ăn tại Paris. Vụ lật đổ thứ sáu đưa ông tướng hung hăng Nguyễn Cao Kỳ lên cầm đầu chính phủ. […] Có một nhân vật ngồi ung dung trong văn phòng mình tại Sứ quán Mỹ cứ giật dây, điều khiển các con rối và thay đổi chúng tuỳ thích, đó là Cabốt Lốt [Lodge – ct.]…” (sđd., tr. 143 – 144); “Chẳng bao lâu, y [Nguyễn Cao Kỳ – ct.] đã đành chịu đóng vai nhì bên cạnh một tướng cao mưu, xảo kế hơn, đó là Nguyễn Văn Thiệu. Tay này đã trở lại đạo Công giáo dưới chế độ Diệm. Một số người cho rằng y theo đạo Công giáo vì những động cơ chính trị, hơn là vì lí do tôn giáo [và vợ y là một tín đồ Thiên Chúa giáo – ct.]” (sđd., tr. 145); “Trong bối cảnh như thế, thái độ của Giáo hội [Thiên Chúa giáo – ct.] Việt Nam như thế nào? Sau một lúc bị gạt ra rìa bởi nhóm tướng tá đảo chính và Hoa Kỳ đang muốn chơi con bài Phật giáo, người Công giáo lại giành được thế mạnh chính trị vào năm 1965. Quả thế, trong vụ khủng hoảng Phật giáo và sau khi Diệm bị đổ, người Mỹ cứ ngỡ rằng có thể dựa vào Phật giáo để thực hiện mục tiêu của mình. Nhưng Giáo hội Phật giáo thống nhất, mặc dầu có nhiều xu hướng và ý đồ khác nhau, vẫn không tán thành chiến tranh và không chống lại việc thương thuyết với Cộng sản. Một điều chắc chắn, theo cây bút Xunbecgơ trong tờ Nữu Ước thời báo [Newyork Time – ct.] ngày 15. 3. 1965, tổ chức Phật giáo không đồng tình với kiểu cách của Oasinhtơn [Washington DC., thủ đô Mỹ – ct.], mà lại nghiêng về phía các ước nguyện của Việt cộng. Mất hứng trước thái độ của Phật giáo, Lầu Năm Góc quay lại luôn phía Công giáo và chơi cho hết ván bài này…” (sđd., tr. 149 – 150); “Năm 1967, […]. Tại Việt Nam, các binh sĩ Mỹ đã đặt lên ngôi tổng thống một người Công giáo (Nguyễn Văn Thiệu) và đưa vào thượng viện đa số nghị sĩ Công giáo (35 ghế trên 60)…” (sđd., tr. 155).

(Trần Tam Tỉnh (linh mục), Thập giá và lưỡi gươm (nguyên tác tiếng Pháp: Dieu et Çésar, Nxb. Sudest-Asie, Paris, 1978), linh mục Vương Đình Bích dịch, Nxb. Trẻ, 1988, tr. 133 – 158…)

http://c.1asphost.com/TrXuanAn/an/ngau_hdtho/ngau_hdtho_b8.htm

Khi đã xác định được bản chất chính trị của chế độ Sài Gòn từ Ngô Đình Diệm cho đến Nguyễn Văn Thiệu là sự nối dài (1954 – 1975) và đạt đến đỉnh cao quyền lực của Thiên Chúa giáo Việt Nam từ giai đoạn 1858 đến 1954, người ta không còn nghi ngờ gì nữa về tính chất phi nghĩa của nó. Đồng thời, khi xác định bản chất chính trị của chế độ Hà Nội từ thời phôi thai, trước 1930, và từ 1930 đến 1945, từ 1945 đến 1954, từ 1954 đến 1975, là liên tục kháng chiến chống Pháp, Nhật, Mỹ và Thiên Chúa giáo, nên thực thể chính trị này là chính nghĩa (mặc dù yếu tố ngoại lai với ý hệ cộng sản, Liên Xô, Trung Quốc là rất cần “rút kinh nghiệm”). Do đó, cho dẫu Tết Mậu thân – Huế 1968 có là một cuộc thảm sát tàn bạo thì đó cũng chỉ là một “tai nạn” trong chiến tranh chính nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Điều cần nói là mặt khác, cần phải thấy rõ “lực lượng thứ ba”, theo chủ nghĩa dân tộc, chống yếu tố ngoại lai, là chính nghĩa. Tuy chính nghĩa, nhưng trong thực tế lịch sử họ không được sự ủng hộ nào từ ngoại bang. Hay nói cách khác, chính vì họ không chấp nhận yếu tố ngoại bang, nên họ chính nghĩa, tuy chính nghĩa trong sự thất thế.

“Lực lượng thứ ba” này từ 1930 đến nay là nạn nhân giữa gọng kìm lịch sử hoặc tạm thời quy phục, hưởng ứng với bên này (“Hà Nội”) hay bên kia (“Sài Gòn”). Trong Tết Mậu thân – Huế 1968, có nhiều nạn nhân như thế, hoặc phân hóa rõ hơn như thế.


7



Và đã đến lúc tôi thấy bài viết cần phải ngừng lại. Điều quan trọng cuối bài viết này là phải xác định lại thêm một lần nữa: Tuy có trích dẫn nhiều tư liệu, nhưng thật sự nó chưa phải là một bài nghiên cứu sử học, mà chỉ là những suy nghĩ trước những trang web, trang sách. Khác với những bài nghiên cứu thực sự (về các giai đoạn trước 1930, 1945, đặc biệt là giai đoạn 1858 – 1885), riêng ở bài này, tôi không dám quyết đoán một điều gì cả. Trong tay không có một tư liệu gốc nào, chưa từng bước vào một cuộc điều tra thực địa kín đáo nào, làm sao tôi có thể đưa ra những quyết đoán bừa bãi.

Tuy vậy, có một thuận lợi không ngờ là khi sự kiện Tết Mậu thân 1968 ở toàn quốc và đặc biệt ở Huế diễn ra, tôi đã 12 tuổi. Bấy giờ, tôi đang ở Quảng Trị, nhưng ngay sau khi cuộc chiến 26 ngày chấm dứt, tôi đã có dịp vào Huế. Nhà ở Quảng Trị của mẹ tôi bị cháy, trơ hai bức vách. Ngôi nhà các anh tôi sống và học hành ở Huế cũng không khỏi bị hư hại. Một người anh đang tuổi học trò lại bị thương nhẹ. Năm sau nữa, tôi vào Huế học. Chỉ chừng đó thôi, cũng giúp tôi cảm nhận được một Huế – Tết Mậu thân 1968 với những ấn tượng không bao giờ quên được.


Trần Xuân An
TP. HCM., thứ nhất (thứ hai cũ), ngày 21 tháng 8 HB6 (2006)
_________________

Tham khảo:

1. Số sách đã dẫn với xuất xứ cụ thể trong bài viết.

2.
http://web.archive.org/web/20060820140822re_/http:/geocities.com/atoiz/porter.html

3.
http://www.tudovis.com/kktd/su_that_lich_su/hcm_TueChuong3001.html

4.
http://web.archive.org/web/20040402122307/ngothelinh.web1000.com/OanHonTrenXuHue.html

5.
http://www.danchimviet.com/modules.php?name=News&file=article&sid=2150

http://www.danchimviet.com/modules.php?name=News&file=article&sid=2155

http://www.danchimviet.com/modules.php?name=News&file=article&sid=2162