7.4.07

NIỀM VUI LỚN & MUỘN: QUỐC LỄ GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG

Báo Sài Gòn online đưa tin:

"Từ năm nay được nghỉ ngày Giỗ Tổ
SGGP:: Cập nhật ngày 02/04/2007 lúc 14:25'(GMT+7)

(12G).- Lúc 9g30 sáng nay 2-4, kỳ họp thứ 11, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XI đã họp phiên bế mạc. Trước đó, Quốc hội đã thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Bộ luật Lao động với trên 90% đại biểu nhất trí. Theo đó, sẽ cho phép người lao động cả nước được nghỉ lễ, hưởng nguyên lương vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (mùng 10 tháng 3 Âm lịch hàng năm).


Luật mới sẽ được thực thi ngay từ năm nay, tức mùng 10 tháng ba Âm lịch tới đây (vào ngày 26-4-2007), người lao động sẽ được nghỉ lễ"...


H.Y. - V.X.

http://www.sggp.org.vn/SGGP12h/2007/4/93162/

Trước đó, cách đây gần đúng một năm, cũng trên báo Sài Gòn online:

"Kiến nghị được nghỉ “Ngày Hùng Vương”
SGGP:: Cập nhật ngày 25/05/2006 lúc 08:05'(GMT+7)

Bộ VH-TT vừa có công văn do Thứ trưởng Trần Chiến Thắng ký đồng ý với Bộ LĐ-TBXH, UBND tỉnh Phú Thọ thống nhất việc đề nghị Chính phủ, Quốc hội chọn ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày kỷ niệm lịch sử, ngày lễ lớn của dân tộc và được nghỉ 1 ngày vẫn hưởng lương (ngày 10 tháng 3 Âm lịch).


Về tên gọi: Bộ VH-TT đề nghị lấy tên gọi là “Ngày Hùng Vương” đã được Bác Hồ sử dụng tại Sắc lệnh số 22 ngày 18-2-1946"...


Th.V.

http://www.sggp.org.vn/vanhoavannghe/2006/5/49124/

Chắc hẳn phải nói, đây là một niềm vui lớn nhưng quá muộn. Tuy vậy, muộn vẫn hơn không.


Ngẫm nghĩ lại, thật không hiểu nổi vì sao Lễ Giỗ Tổ Hùng vương từng được gọi là "Ngày Hùng vương"? Chẳng lẽ từ mấy chục năm trước đã có ý định xoá đi ngày kị giỗ tổ tiên riêng của mỗi nhà, mỗi dòng họ, và ở trường hợp này là xoá bỏ lễ giỗ tổ tiên chung của cả dân tộc, vốn là một nghi thức phong tục tốt đẹp có ý nghĩa sâu sắc và tác dụng bền vững, đã trở thành truyền thống tự nghìn xưa?


Ngẫm nghĩ lại, trong năm bảy thập niên gần đây, có nhiều ngày lễ chỉ có ý nghĩa quốc tế (quốc tế lao động, quốc tế phụ nữ, quốc tế hiến chương các nhà giáo...), trong khi đó, những ngày lễ đậm đà, thuần tuý dân tộc lại bị xem nhẹ, hầu như không được các cấp, các hệ thống có thẩm quyền (Đảng, Nhà nước, Quốc hội...) lưu tâm thật sự. Nói cho đúng, các ngày lễ thuần tuý văn hoá dân tộc ấy cũng được tổ chức sơ sài ở một vài điểm nào đó để báo chí đưa tin tuyên truyền, nhưng thực sự vẫn "một ngày như mọi ngày"! Đó là chưa nói đến các ngày lễ của các tôn giáo (Phật đản, Chúa giáng sinh...) vốn là văn hoá ngoại nhập trong sự so sánh với những ngày quốc lễ thuần Việt!

Là một người nghiên cứu sử và viết tiểu thuyết về cuộc chiến tranh 131 năm (1858 - 1875 - 1989), đặc biệt về giai đoạn 1930 - 1945 - 1975, tôi đã ít nhiều thể hiện những nguyên nhân kéo dài cuộc chiến tranh ấy, trong "Mùa hè bên sông" (bản 1997 & bản 2003). Một trong những nguyên nhân là yếu tố quốc tế lấn lướt, "hà hiếp" yếu tố dân tộc. Nói rõ hơn, hai lực lượng có thế lực, đối đầu, ít ra trong 21 năm chia cắt đất nước (1954 - 1975), là Thiên Chúa giáo Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam; cả hai đều có nguồn gốc từ châu Âu [*] (Mỹ cũng xuất phát từ châu Âu; Trung Quốc cũng theo một hệ tư tưởng châu Âu...).


Tôi đã viết quá nhiều về khát vọng một ngày Lễ Giỗ Tổ Hùng vương như một quốc lễ trọng đại nhất, nên chỉ nhắc lại ở mấy dòng này như thế. Và xin thành thật chia sẻ bao nỗi niềm thống khổ của đại đa số dân tộc Việt Nam, vốn bị siết chặt giữa hai gọng kìm lịch sử, trong cuộc chiến tranh đã trôi qua, nhưng di chứng hậu chiến hầu như chưa nguôi, chưa nguôi khổ đau và vẫn khát khao được giải oan trên lập trường dân tộc thuần tuý có tính chất sử học minh bạch, xác thực (không phải nhân danh các hệ tư tưởng ngoại nhập, Phật giáo, Thiên Chúa giáo hay chủ nghĩa Marx-Lénine). Nói giản dị hơn: Cả dân tộc cần giải oan bằng một bộ sử cận - hiện đại thật sự khoa học và một vài quốc lễ thật sự thuần tuý dân tộc.

Riêng về Quốc lễ giỗ Tổ Hùng vương được công nhận là Quốc lễ, một nét chủ yếu hồn vía, tâm linh dân tộc, dẫu quá MUỘN nhưng vẫn là NIỀM VUI LỚN. Mong rằng dân tộc Việt Nam chúng ta, từ Bắc đến Nam, trong nước cũng như tại hải ngoại, sẽ được muôn nghìn đời xem trọng ngày QUỐC LỄ trọng đại nhất ấy. Trách nhiệm này thuộc về các cấp, các hệ thống có thẩm quyền trong nước, hiện đang nắm giữ vận mệnh Tổ quốc. Trách nhiệm này còn thuộc về các tiếng nói Việt Nam hải ngoại.

Trần Xuân An


Khoảng 14 giờ - 15 giờ 10', ngày 05-4 HB7 (2007)
[18-2 Đinh hợi HB7)
tại Tp. HCM., Việt Nam.


& 20 giờ 10' cùng ngày

___________

[*] Điều không cần thiết phải chú thích: Mặc dù Thiên Chúa giáo xuất phát từ Israel (Do Thái) cổ đại, nhưng lại phát triển tại châu Âu và hoàn toàn Âu hoá; Toà thánh Vatican toạ lạc lâu đời tại Rome, như một quốc gia trong lòng nước Ý (Italia), và các giáo hoàng đều là người châu Âu.




__________________________________

Viết trực tiếp trên web, 14 - 15 giờ 10', ngày 05-4 HB7 (2007)

Sửa đổi vài chữ (hư từ, kết từ...), lúc 06 giờ 02', 07-4 HB7.
TXA.